Đăng nhập
Google
 

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Từ khóa
Danh mục

Viết bởi/Nguồn: qdnd.vn   

ImageHội sinh vật cảnh Thăng Long đã cho ra mắt hơn 1.000 tác phẩm cây cảnh với nhiều chủng loại, kiểu dáng phong phú tại bốn điểm: vườn hoa Lý Thái Tổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, công viên I. Ghandi, tượng đài Quang Trung, tất cả đều toát lên không gian nghệ thuật tao nhã đậm sắc màu dân tộc.



Tại đây du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên kết hợp với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của các nghệ nhân Việt Nam mà còn cảm nhận phần nào ý tưởng thẩm mỹ, tâm tư tình cảm, thể hiện tính nhân văn cao quý, tính thẩm mỹ độc đáo, tính triết học sâu sắc, góp phần tạo nên văn hóa truyền thống của dân tộc.

Mỗi cây có một kiểu dáng, thế đứng khác nhau: thế phượng vũ, thế ngũ phúc, thế huynh đệ, thế phụ tử, thế long giáng, thế bạt phong hồi đầu, thế long ẩn, thế lão mai, đến thế tam đa, thế tứ quý, thế nguyệt ảnh, thế đại đạo huyên nhi, thế phượng hồng sóng đôi, thế đón gió, thế chờ đợi, thế ngẫu tự, thế nhà hiền triết...

Mỗi thế đứng đều thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả, tất cả đều chứa đựng ý nhân văn sâu sắc: “Thế Ngũ Phúc”: biểu tượng của 5 ước muốn giản dị mà vĩ đại của người xưa: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh; “Thế Phượng Vũ”: biểu tượng cho con chim phượng hoàng đang múa đón con người, vui với những thành quả tốt đẹp; "Thế Huynh Đệ”: nghĩa là ngọn cây nhỏ phải hướng sang cây lớn như anh em, biểu lộ tình âu yếm ruột thịt...

“Con người đã tạo dựng và chơi cây cảnh cũng là tạo dựng cuộc đời, tâm hồn, trí tuệ, ước muốn của mình. Vì vậy cây cảnh là mảnh tâm hồn của ta, làm cho ta hướng về cái đẹp, cái thiện, sống đẹp đẽ và tốt lành hơn. Đó là những tác phẩm nghệ thuật, có nhựa sống của thiên nhiên và con người làm cho con người hòa nhập với thiên nhiên vĩnh hằng và kỳ thú", cụ Nguyễn Hữu Cầu, quận Hoàn Kiếm năm nay đã 96 tuổi nói với chúng tôi như thế sau khi được ngắm nhìn hơn 200 cây cảnh tại vườn hoa Lý Thái Tổ.

Ông Claude Paul - một du khách Pháp sang thăm Việt Nam nhân dịp APEC bộc bạch: "Những cây cảnh ở đây rất đẹp, nó mang lại cho người xem không gian thư giãn lý tưởng sau những bộn bề và sôi động của phố phường. Ở nước chúng tôi không có những cây cảnh to, không có những cây um tùm lại nhiều quả như vậy. Tôi rất thích ngắm cây khế và cây ổi, nó gợi một điều gì rất mộc mạc, gần gũi mà sâu sắc như chính tâm hồn con người Việt Nam vậy".

Những năm gần đây, cách thức tổ chức các cuộc thi cây cảnh của chúng ta chưa hay khi ban giám khảo lấy phiếu thăm dò khách tham quan để đánh giá, chọn giải.

Bởi ý kiến của 100 người không hiểu về cây cảnh không thể bằng nhận xét của một người có kiến thức về nó.

Chúng tôi đã từng được chứng kiến và thấy rằng: những người trong nghề thường không dễ đưa ra lời đánh giá tác phẩm này hay hay dở bởi với họ nghệ thuật là vô cùng, không có xấu-đẹp, đúng-sai, nó thuộc về khả năng cảm thụ và trình độ nhận thức về nghệ thuật của mỗi người. Nên phần đông các nghệ nhân đã tâm sự: Hội sinh vật cảnh Việt Nam trước khi tổ chức cuộc thi bình chọn cây cảnh đẹp, phải hình thành một văn bản có tính quy chuẩn, đưa ra những tiêu chí chung nhất để đánh giá; phải có sự tập hợp, thảo luận giữa những nhà quản lý, nghệ nhân và những người thưởng thức, sau đó thông qua hội đồng xét giải, có vậy mới chọn ra những tác phẩm tương đối toàn diện, phù hợp với vẻ đẹp chung của cây cảnh Việt Nam. Đó cũng là cách để loại hình nghệ thuật này xứng tầm.

Ông Xuân Thế Thụ, một người đã hơn 30 năm trong nghề, tác giả của hơn 20 cây cảnh tại cuộc triển lãm này đã say sưa trò chuyện: "Để tạo ra một cây cảnh người chơi phải bỏ ra 10 năm, 20 năm thậm chí phải mất cả đời người mới tạo được. Chơi cây cảnh phải có sự say mê, gặp gỡ của nhiều thế hệ, “đời trước làm, đời sau nuôi”.

Có người chơi cây cảnh đời trước trình độ hiểu biết không cao, người sau mua về sửa sang, tạo tác bằng con mắt nghệ thuật của mình, tác phẩm trở nên có hồn hơn hoặc ngược lại. Một cây cảnh đẹp phải có sự kết hợp giữa nghệ thuật, tuổi tác của cây, khí hậu, thời gian chăm sóc.

Chơi cây cảnh, trồng cây cảnh bao giờ cũng phải coi trọng gốc-gốc có to, có khỏe thì cây mới mạnh, gốc phải to hơn thân. Gốc càng to càng thể hiện cây đã sống lâu năm. Nếu gốc có nhiều rễ nổi, rễ sum sê càng đẹp. Thân cây mềm mại duyên dáng, xiêu nghiêng hay đứng thẳng khỏe mạnh là tùy theo các thế cây. Cành phải được phân bổ hợp lý, cấu tạo so le chia ra các hướng lớn không trùng nhau, tránh gò bó”…

Ông nói tiếp: “Thích là đẹp, không thích là xấu. Nghệ thuật không có giới hạn. Cùng chiêm ngưỡng một cây cảnh, người bảo đẹp, người bảo không, người nói thích, người bảo không thích. Người thích cây cổ nghĩa là: lá phải sum sê, rậm rạp mới thể hiện sức sống mãnh liệt bung tỏa, sự sum vầy, ấm áp. Có người lại thích những cây khẳng khiu, mảnh mai nhưng cành phải yểu điệu, mềm mại, thế phải chênh vênh, có sự phá cách. Người lại thích cây lộ nét phong sương, lão luyện, thân già cỗi nhưng vẫn lất lơ vài chiếc lá non đang chồi lên như nét chấm phá của nghệ thuật phương Đông truyền thống. Cũng như hội họa, văn học, nhiếp ảnh, chơi cây cảnh cũng phân thành nhiều trường phái khác nhau như: cây thế cổ, theo dáng tự nhiên hay dáng bon-sai...”.

Theo những người am tường về cây cảnh thì người Trung Quốc xưa chơi cây cảnh theo hai cách: giới Nho sĩ tạo cây theo ý tưởng, đôi khi cố gò ép để thể hiện tính cách của mình: quân tử; thanh cao, nho nhã hay phóng khoáng; có người lại muốn gửi gắm niềm mong đợi: về hạnh phúc, sum vầy, tuổi thọ...

Người Nhật Bản chơi cây cảnh góc độ nghệ thuật, tạo dáng cây luôn đặt lên hàng đầu còn ý tưởng chỉ ẩn hiện thấp thoáng một cách trừu tượng. Với người Việt Nam lại luôn có sự hòa trộn giữa nghệ thuật và ý tưởng, mỗi cây đều thể hiện tâm tính của mỗi con người, song nếu để ý chúng ta vẫn thấy rõ xu hướng hiện nay dần thiên về tạo dáng hơn ý tưởng.

Tục chơi cây cảnh, bon-sai được phát sinh ở phương Đông, có thể khẳng định là Trung Quốc, theo thời gian đã đi vào cuộc sống như một mỹ tục, một thú chơi thể hiện một phần tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Mỗi tác phẩm được trưng bày đều gửi gắm tình cảm, ý niệm thẩm mỹ, tính chất của nghệ nhân, góp phần giáo dục mọi thế hệ tăng thêm lòng yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu đất nước, khả năng tự khẳng định và hoàn thiện mình.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

 


Caycanhnambo.com
ĐT: 0923 077 077 / 0925 0202 55
Email: info@caycanhnambo.com

 

Tự tạo website với Webmienphi.vn